CẢM NHẬN SAU 3 THÁNG TRẢI NGHIỆM PIN DỰ PHÒNG
RAVPOWER RP-PB201, OUTPUT 60W, 20.000MAH, HỖ TRỢ PD/QC
- Tuesday January 5th, 2021 -
Như title của topic, đây là tên cục pin dự phòng mình hiện đang sử dụng. Cục này mình mua đợt 13/10/2020 qua gian hàng Tiki Trading đúng vào ngày thứ 3 hàng tuần trong thời gian khuyến mại (giảm 100k) cho chủ thẻ ACB quốc tế, hơn nữa lại được Free-Shipping, bảo hành 1 đổi 1 trong 18 tháng với giá sau cùng là 990.000đ. Lý do duy nhất mình tậu thêm cục RP-PB201 là vì không cục nào trong hàng tá cục pin dự phòng mình đang sở hữu có cổng Output chân C. Mình biết đến cục RavPower qua một bài chia sẻ của mod @Duy Luân (bên NÀY), mặc dù có vài điều chưa thật sự ưng ý nhưng mình vẫn quyết định xuống tiền do cục pin này được bá tánh đánh giá khá cao trong loạt các sản phẩm cùng dung lượng...
Trước khi mua, mình có tham khảo một số thông tin ở vài nguồn & thấy khá hoang mang. Cụ thể cùng một sản phẩm như nhau, nhiều chỗ đề mã là "RP-PB201" nhưng không ít nơi lại đề "RP-CPBN004". Về giá thành: có nơi bán ngót 1.5 triệu, có nơi để khoảng 1.1 triệu & cá biệt cũng có nơi để giá chưa đến 1 triệu. Ngoài ra, thời gian bảo hành cũng ít nhiều có sự khác biệt: nơi thì 12 tháng, nơi 15 tháng, thậm chí có nơi bảo hành những 18 tháng lận (!?) Túm lại, với một người lần đầu có ý định tiếp cận sản phẩm của RavPower như mình thì những thông tin không nhất quán như này rất dễ gây ra tâm lý dao động & bất an. Tìm hiểu sơ bộ trên mạng, mình được biết thương hiệu RavPower ở Việt Nam được phân phối bởi tối thiểu 2 kênh, cụ thể là Công ty Cổ phần An Tiến (có chi nhánh ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn) & Công ty TNHH Tin Tưởng (14/26 Thái Thị Nhạn, Phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM), thời gian bảo hành ở 2 nơi tương ứng là 15 & 18 tháng. Còn về mã sản phẩm, mình được mod @Duy Luân cho biết: “RP-CPBN004” là mã nội địa tại thị trường China, trong khi đó “RP-PB201” là phiên bản quốc tế được bán ở các thị trường còn lại.
Về việc nhận diện hàng chính hãng, mình thấy bên NÀY chia sẻ cách thức quét mã QR trên vỏ hộp, nếu mã dẫn đến trang chủ của Ravpower & có sản phẩm RB-PB201 thì đây là hàng chuẩn. Tuy nhiên như đã nói ở trên, do thương hiệu RavPower tại Việt Nam được phân phối không phải bởi một đại lý duy nhất nên AE mua ở đâu sẽ được bảo hành ở đó. Sản phẩm này kỳ thực mình mua bên Công ty TNHH Tin Tưởng nhưng lại nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của bên Công ty Cổ phần An Tiến do trước đó mình trót inbox qua Messenger để dò hỏi thông tin. Theo những gì bên An Tiến cung cấp, hiện hãng RavPower chưa tích hợp tính năng check IMEI cũng như Serial Number của sản phẩm ngay trên web, thay vào đó các nhà phân phối sẽ bảo hành theo tem.
I. HÌNH THỨC:
Toàn thân cục pin theo mình thấy được phủ một lớp nhựa nhám màu đen hoàn toàn không bám vân tay. Với trọng lượng 380g cùng kích thước các chiều dài, rộng, cao lần lượt là 16x6.5x2.5cm, mình dễ dàng bỏ vô balo hoặc túi bao tử mỗi khi ra đường, thậm chí có thể nhét vừa trong túi quần. Tuy nhiên, do độ dày cũng như trọng lượng gần nửa cân sẽ đem lại cảm giác không thực sự thoải mái, đặc biệt mỗi lúc đứng lên ngồi xuống khá cộm & cấn. AE nào hay có thói quen nhét điện thoại & thủ thêm pin dự phòng bên người thì nên cân nhắc kỹ trước khi mua.
II. CỔNG KẾT NỐI, ĐÈN BÁO, TRẠNG THÁI:
Với 2 cổng sạc A & C đều hỗ trợ sạc nhanh (Quick Charge 3.0 & Power Delivery), mình thấy khá tiện trong việc sạc cho smartphone, tablet, laptop cũng như một số món đồ thập cẩm khác, điển hình như: máy ghi âm, đèn bàn, loa bluetooth, tai nghe Airpods & cả chiếc gimbal Osmo Mobile 3... Một trong những điểm mình thấy khá hứng thú ở cục pin là việc không cần nhấn nút nguồn mỗi khi sạc. Mình đã test thử với hàng loạt các thiết bị như: Nova 3i, Key2, loa UE WonderBoom, bàn phím Microsoft Universal Mobile Keyboard, máy ghi âm Sony TX650, bộ phát Wifi ZMI MF885... mọi thứ chỉ đơn giản với thao tác kết nối cáp, còn việc nhấn nút nguồn chắc chỉ để kiểm tra dung lượng còn lại của cục pin mà thôi...
Trong quá trình sạc cho điện thoại, mình không thấy pin có tín hiệu nháy đèn nhưng trước khi kiệt hoàn toàn thì RP-PB201 chớp đèn liên tục trong khoảng 5-6 phút, còn khi sạc cho pin thì ánh đèn màu xanh nước biển nháy liên tục ở từng mức, pin đầy đèn không tắt nhưng sẽ ngừng nháy. Ngoài ra, mình để ý thấy cục pin thường xuyên ở trạng thái mát, sạc liên tục hết nửa dung lượng chỉ thấy phần cạnh bên (ngay sát đèn báo pin) có biểu hiện ấm lên chút xíu, không đáng kể.
III. CÔNG SUẤT:
Hai cổng A & C có công suất Output tối đa tương ứng lên đến 18W & 60W (nếu chỉ sạc một thiết bị), còn nếu sạc cả 2 cổng cùng một thời điểm thì max công suất giảm xuống còn 15W & 45W. Trong quá trình trải nghiệm, mình sử dụng USB tester để đo dòng điện thì thấy công suất thực tế khá sát với những gì nhà sản xuất đã đưa ra. Ở một động thái khác, mình cũng test thử công suất đầu vào khi sạc cho cục RP-PB201, kết quả Input tối đa chuẩn 30W như những gì mình thấy quảng cáo trên mạng. Trong quá trình test, mình sử dụng củ sạc 61W của Macbook, còn dây cáp mình xài luôn cọng RavPower tặng kèm trong hộp.
IV. TEST TỐC ĐỘ SẠC:
- Với khả năng nạp đầy 2 lần cho BlackBerry Key2 (3.500mAh), 1 lần cho iPhone X (2.716mAh) và 52% cho iPad 2018 (8.600mAh) thì tổng dung lượng của RP-PB201 là: 3.500 + 3.500 + 2.716 + 4.472 = 14.188mAh. Như vậy cục pin 20.000mAh này bị hụt gần 6.000mAh, chỉ được 2/3 dung lượng so với những gì thực tế nhà sản xuất đưa ra. Trước nay chưa bao giờ mình test bất cứ cục pin dự phòng nào từ lúc đầy đến lúc kiệt như này, vô hình trung nếu muốn sở hữu viên pin đủ 20.000mAh theo đúng nghĩa đen thì mình phải bỏ ra số tiền ngang với cục 30.000mAh.
- Với củ sạc Macbook 61W & cáp Ugreen C to C 3.1 Gen 2 (50229), mình nạp đầy cho cục RavPower mất cả thẩy 2 tiếng 55 phút, trong khi đó vẫn với củ sạc Macbook 61W nhưng xài cáp RavPower (tặng kèm trong hộp) chỉ mất 2 tiếng 48 phút. Tính ra thời gian nạp đầy cho cục pin này gần sát với ngưỡng công bố của hãng, thậm chí còn nhanh hơn từ 5-12 phút. Chỉ có điều: đây là khoảng thời gian để nạp đầy cho cục pin 14.000mAh chứ không phải 20.000mAh như nhiều người vẫn nhầm tưởng.
1. VỚI ĐIỆN THOẠI BLACKBERRY KEY2 (3.500mAh):
- Sử dụng cáp RavPower (tặng kèm) sạc qua cổng C: từ 0-50% mất 30 phút, từ lúc kiệt pin đến khi đầy hết cả thẩy 100 phút chẵn tròn, trong vòng một tiếng đồng hồ Key2 lên được 85% pin.
- Sử dụng cáp Ugreen (50229) sạc qua cổng C: từ 0-50% mất 30 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết 94 phút, trong một tiếng đồng hồ Key2 lên được 86% pin.
- Sử dụng cáp Anker Powerline+ sạc qua cổng A: từ 0-50% mất 27 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết tổng cộng 91 phút, trong một tiếng đồng hồ Key2 lên được 88% pin.
2. VỚI ĐIỆN THOẠI IPHONE X (2.716mAh):
- Sử dụng cáp Benks 0.25m (có MFI) sạc qua cổng C: từ 0-50% mất 30 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết 2 tiếng 54 phút, trong một tiếng đồng hồ iPhone X lên được 79% pin.
- Sử dụng cáp InnoStyle DuraFLEX (có MFI) sạc qua cổng C: từ 0-50% mất 30 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết cả thẩy 2 tiếng 55 phút, trong một tiếng đồng hồ iPhone X lên được 72% pin.
- Sử dụng cáp Anker Powerline II sạc qua cổng A: từ 0-50% mất 55 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết đúng 3 tiếng chẵn tròn, trong một tiếng đồng hồ iPhone X được 53% pin.
3. VỚI IPAD 2018 GEN 6 9.7" (8.600mAh):
- Sử dụng cáp Benks 0.25m (có MFI) sạc qua cổng C: từ 0-50% mất 1 tiếng 35 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết 3 tiếng 50 phút. Cụ thể hơn: trong một tiếng đồng hồ đầu tiên iPad lên được 33% pin, tiếng thứ 2 được 30%, tiếng thứ 3 được 25%, còn 50 phút cuối cùng được 12%
- Sử dụng cáp InnoStyle DuraFLEX (có MFI) sạc qua cổng C: từ 0-50% mất 1 tiếng 55 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết 4 tiếng 5 phút. Trong đó, một tiếng đồng hồ đầu tiên iPad lên được 26%, tiếng thứ 2 được 27%, tiếng thứ 3 cũng 27%, tiếng thứ 4 là 18%, còn 5 phút cuối cùng được 2%
- Sử dụng cáp Anker Powerline II sạc qua cổng A: từ 0-50% mất 2 tiếng 30 phút, từ lúc kiệt pin đến lúc đầy hết 6 tiếng 7 phút. Trong một tiếng đồng hồ đầu tiên iPad lên được 19%, tiếng thứ 2 được 20%, tiếng thứ 3 được 19%, tiếng thứ 4 được 16%, tiếng thứ 5 được 13%, tiếng thứ 6 được 11%, còn 7 phút cuối cùng được 2%
4. VỚI MACBOOK PRO 2020 13” (58Wh ~ 15.600mAh):
- Sử dụng cáp RavPower (tặng kèm) sạc qua cổng C: từ 0-50% mất 42 phút, trong một tiếng đồng hồ Macbook lên được 70% pin. Tổng thời gian RP-PB201 trụ được từ lúc đầy đến lúc kiệt hoàn toàn là 1 tiếng 23 phút, trong khi đó Macbook lên được từ 0-88%.
- Sử dụng cáp Ugreen (50229) sạc qua cổng C: từ 0-50% mất 45 phút, trong một tiếng đồng hồ Macbook lên được 67% pin. Tổng thời gian RP-PB201 trụ được từ lúc đầy đến lúc kiệt hoàn toàn là 1 tiếng 10 phút, trong khi đó Macbook lên được từ 0-81%.
- Sử dụng cáp Macbook (kèm trong hộp) sạc qua cổng C: từ 0-50% mất đúng một tiếng, tổng thời gian RP-PB201 trụ được từ lúc đầy đến lúc kiệt hoàn toàn là 1 tiếng 15 phút, trong khi đó Macbook lên được từ 0-62%.
5. VỚI HỖN HỢP BLACKBERRY KEY2 & IPHONE X:
a) Sử dụng cáp RavPower tặng kèm (cổng C) & cáp Anker Powerline II (cổng A):
- Từ 0-50%, Key2/iPhone X lần lượt mất 25 & 33 phút
- Tổng thời gian sạc từ lúc kiệt đến lúc đầy pin của Key2/iPhone X lần lượt là 1 tiếng 34 phút và 3 tiếng 2 phút.
- Sau một tiếng đồng hồ, pin của Key2/iPhone X lần lượt lên 88% và 74%
b) Sử dụng cáp Benks (cổng C) & cáp Anker Powerline+ (cổng A):
- Từ 0-50%, cả Key2/iPhone X đều mất 35 phút
- Tổng thời gian sạc từ lúc kiệt đến lúc đầy pin của Key2/iPhone X lần lượt là 1 tiếng 55 phút và 3 tiếng 5 phút.
- Sau một tiếng đồng hồ, pin của Key2/iPhone X lần lượt sạc được 72% và 74%
✅ Trước khi thực hiện các màn test ở trên, toàn bộ các thiết bị Key2, iPhone X, iPad 2018 & cả Macbook đều được mình đặt ở trạng thái kiệt pin, sập hẳn nguồn để đảm bảo tính khách quan & chính xác nhất. Riêng trường hợp thứ 4, mình sạc đầy pin RP-PB201 theo đúng nghĩa đen. Trong quá trình sạc cho Macbook, mình thấy bề mặt của pin RavPower nóng rực đến mức phải rút vội tay, các trường hợp còn lại không thấy triệu chứng này. Có lẽ việc tận dụng max công suất 60W ở cổng C để sạc nhanh cho Macbook đã dẫn tới trạng thái nói trên. Cũng ở trường hợp thứ 4, mình khá ấn tượng với cọng cáp mà RavPower tặng kèm. Những con số biết nói ở ngay trên đã cho thấy đây là một cọng cáp không hề tệ chút nào, thậm chí tốc độ sạc còn lẹ hơn cả cọng Ugreen (50229) lẫn cọng cáp đi kèm trong hộp Macbook Pro 2020 13”. Nếu AE đang hoặc chuẩn bị có ý định tậu pin dự phòng RP-PB201 thì hãy đảm bảo không làm mất hoặc thất lạc cọng cáp dài 67.5cm mà RavPower tặng trong hộp nhé! AE đang sở hữu một cọng cáp thật sự rất tốt đấy 🤓
✅ ƯU ĐIỂM:
- Cả 2 cổng A (QC) & C (PD) đều hỗ trợ sạc nhanh
- Thời gian sạc đầy từ lúc kiệt khá nhanh (khoảng 3 tiếng)
- Sạc cho điện thoại (dù cổng A hay C) không cần nhấn nút nguồn
- Thiết kế bằng chất liệu nhựa nhám, hoàn toàn không bám vân tay
✅ NHƯỢC ĐIỂM:
- Bề mặt rất dễ bị xước bóng: qua vài ngày do không để ý chi tiết này nên viên pin của mình đã xuất hiện một cơ số các vết ngang dọc. Là một người khá chú trọng về hình thức, đây là một điểm trừ không nhỏ dưới góc nhìn của mình. Hiện đang sử dụng túi chống sốc để hạn chế thêm những vết tích tương tự có thể xuất hiện trong quá trình sử dụng.
- Bụi, nước dễ lọt qua khe cắm sạc: theo quan sát của mình thì hầu hết các cục pin dự phòng đang bán trên thị trường từ trước tới nay đều không được trang bị nút che bụi. Có thể AE thấy điều này là thừa thãi, không cần thiết nhưng ai biết trong thời gian sử dụng chúng ta có vô tình để nước lọt vô trong hay không, chưa kể bụi bặm sẽ bám vào các chân tiếp xúc bên trong, làm chập chờn chân sạc... Giải pháp hiện nay của mình là mua thêm mấy núm cao su (loại che bụi cho các cổng kết nối của Macbook đời 2015 đổ về trước), cách này vừa kinh tế lại vừa hữu hiệu vì lắp vô cổng sạc vừa như in, hoàn toàn toàn không bị lỏng lẻo, đồng thời lại tăng thêm tính thẩm mỹ cho cục pin. Tuy nhiên loại nút cao su này chỉ vừa với cổng A, còn cổng C mình hiện vẫn đang bỏ ngỏ vì chưa kiếm được nút phù hợp với kích cỡ.
- Dung lượng thực tế chỉ khoảng 14.000mAh: với nhiều AE có lẽ việc thiếu hụt 6.000mAh là điều hết sức bình thường nhưng đây là lần đầu tiên mình để ý tới chi tiết này! Trước đây mình vẫn hay xài pin dự phòng nhưng chưa bao giờ dùng hết lố của viên pin để kiểm tra dung lượng như lần này. Việc hao hụt đến 1/3 so với dung lượng thực tế đã khiến mình xém gửi feedback với Tiki, tuy nhiên sau khi dò hỏi ở vài nguồn (bao gồm cả nhà phân phối RavPower ở Hà Nội), mình miễn cưỡng phải chấp nhận thực tế phũ phàng này!
✅ KẾT LUẬN:
Rồi, sau toàn bộ những chia sẻ như đã nói ở trên, mình thấy PB-201 là một phụ kiện rất đáng tiền. Với mức giá dao động trên dưới 1 triệu, mình đã được sở hữu một cục pin dự phòng với dung lượng lớn, công suất cao, tích hợp cả công nghệ Quick Charge 3.0 lẫn Power Delivery, cho phép sạc nhanh với thời gian khá ấn tượng. Mặc dù đâu đó còn vài điểm chưa thật sự ưng ý nhưng đây chắc chắn là viên pin ưng ý nhất mình từng xài, khả năng cao mình sẽ dùng làm cục pin dự phòng chính cho nhu cầu cá nhân trong thời gian tới 😎
=========================
- Link chia sẻ bên Tinh Tế ở ĐÂY.
No comments:
Post a Comment